Hoàng Su Phì luôn nổi tiếng với những thửa ruộng bậc thang trải bạt ngàn, những dãy núi hùng vĩ, những món ăn đặc trưng làm khách du lịch nhớ mãi không quên. Vậy bạn đã sẵn sàng cho một chuyến hành trình khám phá Hoàng Su Phì cùng PYS Travel ngay sau đây chưa, cùng lên đường thôi nào!
Là một huyện miền núi nằm ở phía Tây của mảnh đất địa đầu Hà Giang, Hoàng Su Phì được xem như một trong những lợi thế du lịch của tỉnh này bởi nằm trên tuyến vòng cung du lịch Lào Cai- Hà Giang- Cao Bằng. Với điều kiện khí hậu đặc trưng, Hoàng Su Phì có cảnh quan thiên nhiên đẹp mắt, những cánh rừng nguyên sinh rộng lớn, những thửa ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ hay nhiều di tích, di sản được xếp hạng cấp quốc gia,… Hoàng Su Phì hội tụ trong mình đầy đủ những lợi thế để đẩy mạnh du lịch tỉnh cũng như là điểm đến không thể thiếu cho những ai đi chương trình.
Nhắc tới vùng đất địa đầu Tổ Quốc, du khách thường nghĩ ngay đến cao nguyên đá Đồng Văn, núi đôi Quản Bạ đến đèo Mã Pí Lèng mà quên đi Hoàng Su Phì Hà Giang. Nơi đây không có hoa tam giác mạch, cũng không có hoa cải trắng hay những mõm đá cheo leo, nhưng thu hút du khách bởi nhưng thửa ruộng bậc thang đẹp say mê lòng người. Hoàng Su Phì chính là chốn an nhiên cho những tâm hồn yêu thích thiên nhiên, thích cảm nhận sự mộc mạc của đất trời và bầu không khí trong lành.
Hoàng Su Phì nằm tại cùng đất địa dầu Tổ quốc - Hà Giang (Ảnh: PYS Travel)
Tuy không nổi bật như các điểm đến khác tại vùng núi cao nguyên xứ Tây Bắc, du lịch Hoàng Su Phì thu hút du khách bởi những thửa ruộng bậc thang vắt ngang lưng trời. Mọi thứ được trải ngút ngàn phía trước mắt. Những bản làng chìm trong khói sương bảng lãng, mông lung. Những đàn bò, đàn dê nhởn nhơ gặm cỏ và còn có những hoa dại hoang sơ nhưng lại mang đầy âm hưởng của cuộc sống nên thơ xứ miền tây của Hà Giang xa xôi. Tất cả như một bức họa thiên nhiên tuyệt mỹ mà có lẽ ai cũng muốn một lần được tận mắt chiêm ngưỡng, được thả hồn vào mây gió để cảm nhận và để yêu thương.
Hoàng Su Phì mang một vẻ đẹp rất riêng (Ảnh: PYS Travel)
Hoàng Su Phì nằm ở phía tây Hà Giang, là một huyện nhỏ với địa hình chủ yếu là đồi núi trên thượng nguồn sông Chảy. Xưa kia nó thuộc châu Bình Nguyên, xứ Tuyên Quang. Sau khi độc lập, địa phận Hoàng Su Phì cũng thay đổi, bao gồm 24 xã và 1 thị trấn. Phần lớn bà con đồng bào miền núi sinh sống ở đây đều là dân tộc thiểu số. Hiện tại đây là địa bàn của 12 dân tộc khác nhau, trong đó đồng bào các dân tộc Mông, Nùng, Dào, La Chí... chiếm đa số. Họ sống một cuộc đời mộc mạc, an nhiên và vô cùng cần mẫn.
Vẻ đẹp thôn quê bình dị chỉ có ở Hoàng Su Phì (Ảnh: PYS Travel)
Khi nhắc đến Hoàng Su Phì, người ta thường nghĩ ngay đến những thửa ruộng bậc thang xanh ngát, bạt ngàn trải dài khắp các sườn núi. Một trải nghiệm thú vị mà du khách nên thử ở đây là dạo bước trên những con đường đất, đi dọc theo những con suối, lắng nghe tiếng nước chảy róc rách, tiếng chim líu lo rộn ràng... bạn như được hòa mình vào cuộc sống bình yên, gần gũi với thiên nhiên.
Hoàng Su Phì mang vẻ đẹp khác nhau theo từng thời điểm khác nhau trong năm và không bao giờ khiến du khách phải thất vọng. Mỗi mùa nơi đây mang một vẻ đẹp riêng, tượng trưng cho một nét đẹp rất riêng của Hà Giang. Nếu bạn không biết nên đi Hoàng Su Phì vào mùa nào thì có thể tham khảo thêm thông tin dưới đây.
Mỗi mùa Hoàng Su Phì sẽ mang những vẻ đẹp rất riêng (Ảnh: PYS Travel)
- Mùa xuân: Mùa Xuân là thời điểm rất đông du khách đổ về Hà Giang nói chung và Hoàng Su Phì nói riêng để chiêm ngưỡng cách sắc thiên nhiên tươi đẹp, tràn đầy sức sống. Du lịch Hoàng Su Phì có lẽ mùa Xuân là thời điểm lý tưởng. Lúc này, thời tiết Hoàng Su Phì còn lạnh, đất trời ngập trong sắc hồng, sắc trắng của hoa đào, hoa mơ, hoa mận; sắc xanh của những búp non mơn mởn vừa đâm chồi nảy lộc. Ngoài ra, đây cũng là thời điểm Hoàng Su Phì diễn ra rất nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc cho du khách khám phá và trải nghiệm.
- Mùa hạ: Mùa Hạ là mùa thiên nhiên Hoàng Su Phì trù phú và tươi tốt. Tới đây, du khách có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ruộng bậc thang Hoàng Su Phì mùa nước đổ tầm tháng 5 – tháng 6 hàng năm.
Hoàng Su Phì đẹp nhất vào mùa lúa chín (Ảnh: sưu tầm)
- Mùa thu: Mùa thu Hoàng Su Phì từ lâu đã là nguồn cảm hứng bất tận cho nghệ thuật với bức tranh mùa lúa chín. Đây cũng là mùa du lịch hot nhất trong năm tại huyện này. Thời tiết cũng mát mẻ, dễ chịu và ít mưa. Tới đây, bạn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thơ mộng hút hồn của những thửa ruộng bậc thang chín vàng, thưởng thức những món ăn đặc sản Hoàng Su Phì, tham gia vào lễ hội nhảy dù,…
- Mùa đông: Thời tiết Hoàng Su Phì mùa Đông rất lạnh. Ngược lại, đây lại là mùa săn mây, săn tuyết lý tưởng trên những đỉnh núi cao như Chiêu Lầu Thi hay Tây Côn Lĩnh.
Cách trung tâm thành phố Hà Giang khoảng 80km, du khách có thể đến Hoàng Su Phì bằng phương tiện cá nhân hoặc phương tiện công cộng, hoặc có thể kết hợp cả hai. Du khách đi từ Hà Nội đến Hà Giang, rồi từ trung tâm thành phố đi Hoàng Su Phì.
Di chuyển bằng xe khách là lựa chọn phổ biến để đến với Hoàng Su Phì (Ảnh: sưu tầm)
Để tới được thành phố Hà Giang, du khách có thể bắt các tuyến xe từ bến xe Mỹ đình, hàng ngày có rất nhiều xe khách giường nằm đi Hà giang, thời gian khởi hành thường khoảng 8-9h tối, đến khoảng 5h sáng các bạn sẽ có mặt tại bến xe Hà Giang. Từ trung tâm thành phố Hà Giang, du khách thuê xe máy và di chuyển ngược lại QL2 đi đến Tân Quang thì rẽ vào đường DT177 đi Hoàng Su Phì. Ngoài ra, có một tuyến đường khác có thể chạy xe máy tới Hoàng Su Phì là đi lên phía cửa khẩu Thanh thủy rồi vượt Tây Côn Lĩnh để sang Hoàng Su Phì.
Xe máy là phương tiện quen thuộc đối với những ai đam mê khám phá các cung đường đèo Hà Giang
(Ảnh: sưu tầm)
Nếu du khách sử dụng phương tiện cá nhân thì có nhiều lựa chọn để khám phá Hoàng Su Phì. Từ Hà Nội đi theo hướng QL2 để đến Hoàng Su Phì, sau khi đến Hoàng Su Phì tham quan và trải nghiệm sau đó rẽ qua Xín Mần, Bắc Hà rồi về lại Hà Nội theo đường Yên Bái. Đi theo lịch trình này sẽ thành một vòng tròn, không cần quay lại đường đi ba đầu.
Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì là tài nguyên du lịch quý giá của nơi đây, được công nhận là di sản cấp quốc gia bởi Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Đây là kết tinh giữa vẻ đẹp thiên nhiên, sự khéo léo, thông minh và sức lao động của con người. Những cánh đồng ruộng bậc thang bát ngát, hùng vĩ, thơ mộng không chỉ là một khung cảnh đẹp mà còn là niềm tự hào của người dân Hoàng Su Phì.
Ruộng bậc thang là nét đặc trưng khi nhắc đến Hoàng Su Phì (Ảnh: PYS Travel)
Hàng năm, có hai mùa đẹp nhất để chiêm ngưỡng vẻ đẹp ruộng bậc thang Hoàng Su Phì. Đó là mùa nước đổ và mùa lúa chín. Mùa lúa chín rơi vào tháng 9 tháng 10 hàng năm là thời điểm lý tưởng nhất, cũng là thời điểm Hoàng Su Phì thu hút rất đông khách du lịch trong nước và quốc tế.
Một bức trang ruộng bậc thang được thu vào trong tầm mắt (Ảnh: PYS Travel)
Những thửa ruộng bậc thang chín vàng, nhưng người nông dân miệt mài trên những sườn đồi không chỉ tạo nên bức tranh sinh động cho thiên nhiên Hoàng Su Phì, mà còn là niềm cảm hứng bất tận cho nhiều tác phẩm nghệ thuật. Đến Hoàng Su Phì vào mùa lúa chín, du khách sẽ có cơ hội tham gia lễ hội dù lượn được tổ chức hoành tráng nhất trong năm. Và một số ruộng bậc thang nổi tiếng tại Hoàng Su Phì có thể kể đến như:
Ruộng bậc thang Bản Phùng
Ruộng bậc thang Bản Phùng (Ảnh: PYS Travel)
Bản Phùng Hoàng Su Phì nằm cách trung tâm thị trấn Vinh Quang khoảng 30km, xã này nằm gần biên giới Trung Quốc. Ruộng bậc thang Bản Phùng nằm trên sườn núi dốc đứng nhìn rất ấn tượng. Nơi đây được biết đến với ruộng bậc thang cao nhất ở Việt Nam.
Ruộng bậc thang Hồ Thầu
Ruộng bậc thang Hồ Thầu (Ảnh: PYS Travel)
Hồ Thầu là nơi sinh sống chủ yếu của người dân tộc Dao đỏ, Ruộng bậc thang ở đây khá đặc biệt, mỗi khoảng sẽ được chừa ra một khoảng rừng rõ để giữ đất đỡ bị sạt lở. Ruộng bậc thang ở Hồ Thầu cao vút và mênh mông.
Ruộng bậc thang Thông Nguyên
Ruộng bậc thang Thông Nguyên (Ảnh: PYS Travel)
Là nơi hội tụ của 3 dòng suối gồm Phìn Hồ, Nậm Ông và Nậm Khòa. Thông Nguyên bình yên ở giữa lưng chừng núi. Đây được biết đến là địa điểm ngắm ruộng bậc thang đẹp nhất tại Hoàng Sù Phì.
Ruộng bậc thang Bản Luốc – Sản Sả Hồ
Ruộng bậc thang Bản Luốc (Ảnh: PYS Travel)
Địa hình núi đất với độ dốc vừa phải nên ruộng bậc thang ở Bản Luốc và Sán Sả Hồ uốn lượn hình cánh cung trông rất đẹp mắt.
Ruộng bậc thang Nậm Ty
Ruộng bậc thang Nậm Ty (Ảnh: PYS Travel)
Ruộng bậc thang ở Nậm Ty hút hồn rất nhiều du khách khi đến với Hoàng Su Phì, Hà Giang. Ruộng bậc thang ở đây được công nhận là di tích quốc gia.
Hoàng Su Phì không chỉ có ruộng bậc thang, Hoàng Su Phì còn nổi tiếng với núi non trùng điệp, hùng vĩ. Du lịch Hoàng Su Phì, du khách phải một lần chinh phục đỉnh núi Chiêu Lầu Thi huyền thoại, một trong những ngọn núi hùng vĩ bậc nhất Hà Giang nói chung và miền Bắc nói riêng.
Đỉnh Chiêu Lầu Thi là địa điểm check-in không thể bỏ lỡ tại Hoàng Su Phì (Ảnh: sưu tầm)
Đỉnh núi Chiêu Lầu Thi nằm ở độ cao 2.402m so với mực nước biển, thuộc xã Hồ Thầu. Tại vị trí cao nhất của ngọn núi là những phiến đá lớn tạo nên cảnh quan đặc biệt. Đây là điểm trekking, check-in nổi tiếng tại Hoàng Su Phì. Tại đây, du khách có thể chiêm ngưỡng một Hoàng Su Phì hùng vĩ từ trên cao. Vào mùa đông, đây là địa điểm săn mây lý tưởng không khác gì chốn bồng lai tiên cảnh. Trên đường chinh phục Chiêu Lầu Thi, du khách cũng được khám phá hệ sinh thái đa dạng của những khu rừng nguyên sinh lâu đời.
Cùng với đỉnh Chiêu Lầu Thi, Tây Côn Lĩnh là ngọn núi rất nhiều du khách mong muốn chinh phục trong hành trình du lịch Hoàng Su Phì của mình. Núi Tây Côn Lĩnh thuộc địa phận 2 huyện Vị Xuyên và Hoàng Su Phì, là ngọn núi cao nhất Đông Bắc Việt Nam.
Vẻ đẹp hùng vĩ của núi Tây Côn Lĩnh (Ảnh: PYS Travel)
Nằm ở thượng nguồn sông Chảy, Tây Côn Lĩnh có địa hình hiểm trở, hùng vĩ và hệ động thực vật phong phú, đa dạng. Có thể bạn chưa biết, Tây Côn Lĩnh được coi là dãy núi thiêng của người La Chí – một dân tộc thiểu số sinh sống tại Hoàng Su Phì.
Nếu muốn tìm hiểu sâu hơn về văn hóa, muốn tìm về một không gian thực sự hoang sơ, giản dị thì du khách phải đặt chân đến thôn Nậm Hồng, xã Thâm Nguyên. Đây là địa bàn sinh sống của đồng bào dân tộc Dao đỏ tại Hoàng Su Phì.
Khung cảnh yên bình tại thôn Nậm Hồng (Ảnh: PYS Travel)
Tới đây, bạn sẽ được chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên với những thửa ruộng bậc thang, những ngọn núi, sườn đồi, vẻ đẹp của những loài hoa rừng. Ngoài ra, du khách sẽ có cơ hội khám phá và trải nghiệm những nét văn hóa độc đáo của người Dao đỏ.
Tam giác mạch là loài hoa đặc trưng của xứ sở cao nguyên đá hoang dại. Lên Hoàng Su Phì vào thời điểm cuối thu, bạn sẽ được chìm đắm trong sắc tím biếc của những bông hoa tam giác mạch.
Hoa tam giác mạch cũng là một "đặc sản" khi đến Hoàng Su Phì (Ảnh: PYS Travel)
Trên những sườn đồi, những thửa ruộng, cạnh những con đường hay ven những ngôi nhà cũ kỹ, hàng vạn bông hoa tam giác mạch nhỏ li ti như những hạt mưa tím hiện lên ngút tầm mắt. Màu xanh của cây lá, của núi rừng, hòa quyện với sắc tím phớt nhẹ của hoa tạo thành một khung cảnh tuyệt đẹp, cho bạn cảm giác như lạc vào một câu chuyện cổ tích. Hàng năm, mỗi dịp cuối thu, tam giác mạch lại thi nhau khoe sắc như mời gọi du khách đến với Hoàng Su Phì nói riêng và Hà Giang nói chung.
Theo kinh nghiệm du lịch Hoàng Su Phì thì chợ phiên là trải nghiệm du khách nhất định phải thử một lần khi đặt chân tới đây. Chợ phiên Hoàng Su Phì họp vào ngày chủ nhật hàng tuần. Đây là nơi người dân trao đổi, buôn bán đủ loại hàng hóa trong cuộc sống hàng ngày.
Không khí đông vui, náo nhiệt tại một phiên cao tại Hoàng Su Phì (Ảnh: sưu tầm)
Không khí chợ phiên diễn ra tấp nập, vui tươi nhưng cũng không kém phần giản dị. Đặc biệt, đây cũng là cơ hội giúp du khách cảm nhận được sự đa dạng, đặc sắc trong văn hóa tại Hoàng Su Phì. Một ngày trải nghiệm chợ phiên Hoàng Su Phì, bạn có thể thưởng thức những món ăn đặc sản, mua các mặt hàng đặc sản, những mặt hàng thủ công mỹ nghệ độc đáo về làm quà.
Đồn Pố Lũng nằm ở thị trấn Vinh Quang hay còn gọi là Bốt Pháp – theo cách gọi của người dân địa phương được người Pháp xây dựng từ những năm cuối thế kỷ XIX. Nơi đây là kiến trúc quân sự gồm hầm hào, lô cốt, sân bay liên hoàn trên một ngọn đồi phía đông thị trấn Vinh Quang của huyện Hoàng Su Phì.
Đồn Pố Lũng là một dấu tích lịch sử (Ảnh: sưu tầm)
Để xây dựng được quần thể kiến trúc quân sự này, thực dân Pháp đã bắt người dân địa phương dùng sức người để vận chuyển vật liệu đá, cát sỏi, nước từ Sông Chảy ngược đoạn đường đèo dốc hơn 3km lên đỉnh núi và đào hàng chục km giao thông hào, địa đạo, san lấp mặt bằng, làm nhà cửa. Trong quá trình xây dựng, hàng trăm người đã bỏ mạng tại đây. Hiện nay, hệ thống lô cốt, hầm hào vẫn giữ nguyên vẹn như một minh chứng chiến tranh và tội ác của thực dân Pháp.
(Ảnh: sưu tầm)
Khi nhắc đến những món ăn nhất định phải thử tại Hoàng Su Phì thì không thể bỏ lỡ qua món cơm lam được. Cơm lam là một món ăn giản dị, độc đáo và luôn tạo được sự bất ngờ cho người ăn. Món cơm tưởng chừng rất đơn giản trong nguyên liệu và cách làm nhưng ngược lại là cả một nghệ thuật, một ý tưởng của người vùng cao về sự hòa quyện giữa nước, lửa và những ống nứa non.
(Ảnh: sưu tầm)
Thắng cố có nghĩa là canh xương. Trong nồi thắng cố gồm chủ yếu là xương, thịt gia súc cùng lục phủ ngũ tạng, chủ yếu là thịt ngựa. Chế biến thắng cố thật đơn giản, con bò hoặc ngựa sau khi giết mổ, người ta lọc thăn bắp và các phần nạc riêng ra để bán. Còn phần xương xẩu được chặt nhỏ, gân cốt bạc nhạc, mỡ và các loại thịt vụn được lọc ra cùng với tiết đông cắt thành miếng nhỏ cộng với tim gan phèo phổi thế là đủ nguyên liệu cơ bản để làm nên món Thắng cố, món ăn này sẽ làm bạn nhớ mãi đấy.
(Ảnh: sưu tầm)
Thật thiếu sót nếu như bạn không ăn thử món thịt chuột của đồng bào dân tộc La Chí. Để làm nên món ăn này, bà con nơi đây sẽ bắt những con chuột từ ruộng và đem về chế biến tỉ mỉ. Món thịt chuột nơi đây được chế biến thành rất nhiều món ăn nhưng nổi tiếng nhất, đặc sắc nhất chính là thịt chuột nướng và món thịt chuột gác bếp.
(Ảnh: sưu tầm)
Thịt trâu gác bếp là một món ăn ngon không chỉ có riêng ở Hoàng Su Phì, nhưng món thịt trâu gác bếp nơi đây lại mang một hương vị rất riêng. Hương vị thơm ngon đặc trưng của món ăn này khó có thể tìm thấy trong các món ăn khác, nhất là vị khói bếp hòa lẫn với mắc khén và lá rừng. Thịt trâu khô dùng để nhắm rượu, ăn vặt hay chế biến các món khác cũng đều rất thích hợp. Vị cay cay của ớt trộn với vị cay nóng của gừng và thơm thơm của mắc khén tạo nên hương vị đặc trưng của thịt trâu khô.
(Ảnh: sưu tầm)
Với điều kiện mùa đông khắc nghiệt, làm lạp xưởng cho mùa đông là lương thực dự trữ quan trọng. Hiện nay, lạp xưởng là món ăn đặc sản, không giống như lạp xưởng công nghiệp, lạp xưởng ở đây được làm hoàn toàn từ những nguyên liệu tự nhiên của con lợn như lòng non, thịt ướp các gia vị đậm đà, sau đó treo lên trên gác bếp để bảo quản tự nhiên, không chất phụ gia.
Ghé thăm Hoàng Su Phì hãy chú ý một số điều đặc biệt sau (Ảnh: PYS Travel)
Để hành trình khám phá Hoàng Su Phì thêm phần trọn vẹn thì bạn cần lưu ý một số điều bên dưới đây:
- Bạn cần mang theo đầy đủ các loại giấy tờ cần thiết như CCCD/CMND, giấy phép lái xe và kiểm tra chất lượng xe, mang theo đồ phản quang, kiểm tra đèn, phanh xe kỹ lưỡng trước khi xuất phát nếu di chuyển đến Hoàng Su Phì bằng phương tiện cá nhân như xe máy ô tô nhé.
- Thời tiết tại Hoàng Su Phì khá lạnh nên khi đi du lịch tại đây bạn cần mang theo áo ấm và các trang phục giữ nhiệt tốt nhé.
- Ngoài ra bạn cũng nên mang theo đồ ăn nhẹ như bánh, kẹo, nước uống tại vì trên đường đi có khá ít quán bán đồ ăn.
- Đặc biệt là bạn nhớ mang cả quần áo, sách vở và bánh kẹo để tặng cho các em nhỏ ở đây đấy nhé.
Trên đây là toàn bộ những chia sẻ của PYS Travel về một chuyến khám phá Hoàng Su Phì - Hà Giang tự túc. Hy vọng chỉ với một vài thông tin vừa rồi cũng đã có thể giúp bạn ít nhiều trong chuyến du lịch đến Hoàng Su Phì trong thời gian sắp đến.
Cùng PYS Travel chinh phục Hoàng Su Phì Hà Giang ngay thôi
Tour nổi bật tại Hoàng Su Phì
Điều khoản và phản hồi về việc sử dụng hình ảnh trên website này vui lòng xem tại đây
08:18 06/12/2023
02:31 08/12/2023
11:04 08/12/2023
08:18 06/12/2023
02:31 08/12/2023
11:04 08/12/2023
Mỗi ngày chúng tôi đều gửi đến khách hàng của mình những tin tức thú vị, những ưu đãi hấp dẫn